Không chỉ là món ăn ngon, các loại nấm có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, kháng ung thư và kháng virus, giải độc và bảo vệ tế bào gan, hạ đường máu và chống phóng xạ, thanh trừ các gốc tự do và chống lão hóa và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch…
Điều quan trọng đầu tiên là chọn nấm. Mỗi loại nấm lại thường xuất hiện theo mùa, có hương vị đặc trưng và công dụng khác nhau. Một số loại nấm thường được dùng làm lẩu:
Nấm Hương: có tác dụng điều tiết chuyển hóa, tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi mật và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa…
Nấm Rơm: là thức ăn rất tốt cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tiểu đường, ung thư và các bệnh lý mạch vành tim.
Ngân Nhĩ (mộc nhĩ trắng): có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, nâng cao năng lực tạo máu của tủy xương, cải thiện chức năng của gan và thận, thúc đẩy quá trình tổng hợp protid trong gan, làm giảm cholesterol máu, chống phù và chống phóng xạ.
Mộc Nhĩ đen: có khả năng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng đông máu do nghẽn mạch, ngăn cản sự hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản. Ngoài ra, còn có tác dụng chống lão hóa, chống ung thư và phóng xạ.
Nấm Mỡ: mũ tròn, chân ngắn, màu trắng. Nấm có tác dụng làm giảm lượng đường, cholesterol trong máu và phòng chống ung thư.
Nấm Kim Châm: màu trắng, thân dài khoảng 20cm, mũ nhỏ. Nấm Kim Châm chứa nhiều vitamin, acid amin. Đặc biệt, chất lysin giúp cải thiện chiều cao, trí tuệ của trẻ em.
Nấm Bào Ngư: mũ màu xám, sẫm nâu hoặc nâu nhạt. Thịt nấm dày, màu trắng. Thực phẩm này thích hợp cho người bị rối loạn tiêu hóa, giúp phục hồi chức năng của gan.
Chế biến và sử dụng lẩu nấm
Để làm thành công món lẩu nấm, các bà nội trợ sẽ yên tâm với giá cả hợp lý bởi đây là món ăn dùng tới 80% là từ thiên nhiên. Lẩu nấm không phải là món khó làm, chỉ khó trong việc mua các loại nấm. Để có lẩu nấm ngon bổ, bạn hãy ra chợ lớn hoặc vào siêu thị, tìm mua được nấm tươi ngon, càng nhiều loại càng tốt. Các loại nấm tươi như nấm Thủy Tiên, Đùi Gà, nấm Hương Tươi, nấm Rơm, nấm Mỡ, Kim Châm, Bào Ngư hay nấm Tràm, nấm Thông thì cắt chân rễ, cạo sạch lớp bụi đất bám trên mũ và thân. Nấm khô như Mộc Nhĩ, Đông Cô thì ngâm nước, xé làm đôi.
Để nấm phát huy được hết công dụng đòi hỏi phải tuân thủ theo các quy trình chế biến. Cách thức ăn lẩu nấm đòi hỏi người ăn sự kiên nhẫn. Nấm được cho vào nồi phải đợi 10 phút đến 15 phút sau khi nước sôi mới được dùng. Đây là một loại thực phẩm sạch, tuy là thực vật nhưng có hàm lượng protein và các chất bổ dưỡng tương đương với thịt. Vì vậy, khi nấu phải đạt đủ thời gian nhất định thì nấm mới phát huy hết công dụng và có hiệu quả cho sức khỏe người sử dụng.
Khi ăn lẩu nấm, người ta thường dùng với các loại hải sản và các loại thịt có màu sáng như thịt thỏ, thịt gà... để tôn được hương vị đặc trưng của nấm. Nước lẩu nấm cũng được chế biến rất cầu kỳ từ xương hầm, gà ác tần cùng các loại thuốc bắc và thảo dược như táo đỏ, hạt kỳ tử, rễ sâm tươi cắt khúc…
Chính những thành phần này đã làm cho món lẩu nấm thiên nhiên dễ tiêu hóa và có chất bổ dưỡng cao hơn hẳn so với những loại lẩu khác. Nấm sẽ ngon hơn với bát nước chấm chuyên dùng cho nấm được pha chế với hương vị đặc biệt từ 12 loại nguyên liệu: vừng, lạc, gừng, ớt, hành, mùi…
Thêm lẩu nấm vào thực đơn hàng tuần chẳng những giúp gia đình bạn có bữa ăn ngon miệng mà còn đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe cho cả gia đình.