Với bé, quả kiwi giống như một quả trứng màu xanh có nhiều tóc. Bề ngoài xù xì thô ráp thế nhưng kiwi lại cung cấp một lượng vitamin C dồi dào cho bé và rất thơm ngon.
Kiwi có lượng vitamin C nhiều gấp đôi cam
Ngoài vitamin C, kiwi còn cung cấp cho bé kali (lượng tương đương với chuối), vitamin A, vitamin E, canxi và axit folic. Hàm lượng xơ cao rất có lợi cho tiêu hóa, giảm tình trạng táo bón. Kiwi còn là nguồn chứ các chất oxy hóa chống lại bệnh tật. Ăn nhiều kiwi có thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh hen suyễn và về lâu dài có thể giảm dần mỡ máu, giảm thiểu nguy cơ nghẽn mạch máu.
Kiwi chứa một loại enzim có thể phá vỡ cấu trúc protein, làm mềm thịt. Chỉ cần ép nước kiwi chín, rưới đều lên thịt và ướp trong 30 phút rồi chế biến, món thịt của bạn sẽ trở nên mềm mà vị rất thanh.
Nếu muốn làm món thạch kiwi, bạn hãy nấu chín kiwi trước vì nếu không enzim này sẽ làm thạch không đông. Tương tự nếu trộn kiwi tươi với sữa chua, sữa chua sẽ bị lỏng ra.
Trên thị trường hiện nay có hai loại kiwi:
- Kiwi xanh: Vỏ màu xanh nâu, lông dài, thịt màu xanh, vị chua
- Kiwi vàng: Vỏ màu vàng nâu, lông ngắn, thịt mịn hơn, màu vàng và vị ngọt hơn.
|
Khi nào bé có thể ăn kiwi?
Nếu như bé không gặp vấn đề về tiêu hóa hay dị ứng thực phẩm thì mẹ có thể cho bé thưởng thức kiwi từ khi tròn 6 tháng tuổi.
Tuy nhiên, không nên dùng kiwi làm thức ăn thô đầu tiên cho bé, bởi vì tính axit có thể gây ra hăm tã hoặc mẩn đỏ quanh miệng bé, thậm chí có thể gây khó chịu dạ dày.
Bạn cũng nên cẩn thận khi cho bé ăn kiwi nếu như bé đã từng bị dị ứng thực phẩm. Dị ứng kiwi thường liên quan với dị ứng đu đủ, dứa và hạt vừng, do đó nếu như bé bị dị ứng với bất kỳ loại nào trong số đó thì bé cũng có thể bị dị ứng với kiwi.
Mẹ cũng không nên cho bé ăn kiwi khi bé đang bị viêm đường hô hấp hay bị sốt.
Nếu bé thường xuyên bị nôn trớ, bạn hãy đợi đến khi bé được 1 tuổi hãy cho bé ăn kiwi.
Nếu sau khi ăn kiwi phân bé có lẫn những hạt màu đen thì cũng đừng nên lo lắng, ngay cả người lớn cũng không thể tiêu hóa được những hạt đó.
Chọn và bảo quản kiwi cho bé
Kiwi quả bé hay to vị và giá trị dinh dưỡng đều như nhau. Do vậy chỉ cần chọn quả vỏ không có vệt, tránh những quả da nhăn nheo hay quá mềm.
Để cơ thể bé hấp thu được giá trị dinh dưỡng cao nhất và cảm nhận được vị ngọt nhất của trái cây, hãy cho bé ăn kiwi chín. Kiểm tra độ chín của quả bằng cách ấn nhẹ ngón tay cái vào quả, nếu như thấy quả hơi mềm là ngon. Nếu như vẫn còn cứng hãy dấm kiwi bằng cách cho vào trong túi giấy cùng với một quả chuối chín, khí etylen từ chuối sẽ làm mềm kiwi từ 1-2 ngày.
Kiwi có thể bảo quản rất lâu trong tủ lạnh, có thể lên đến 4 tuần.
Bé có thể ăn hạt kiwi không?
Có, hạt kiwi rất nhỏ, không có nguy cơ gây hóc.
Có cần phải bóc vỏ kiwi?
Vỏ kiwi cũng giống như các loại hoa quả và rau củ khác có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nhiều loại vitamin và chất khoáng nằm ở vỏ hoặc ngay ở phần thịt sát với vỏ.
Tuy nhiên không nên cho bé ăn kiwi cả vỏ vì khá thô, khó nhai, bé có thể bị hóc. Đối với bé lớn đã nhai tốt thì hoàn toàn có thể cho bé ăn cả vỏ, nhưng phải bỏ phần lông bằng cách dùng một chiếc khăn thô ráp lau cọ.
Cách gọt vỏ kiwi
1. Cắt bỏ hai đầu, dùng một con dao sắc gọt theo chiều dọc quả.
2. Cắt bỏ hai đầu, dùng một cái thìa mỏng, kê vào một đầu ở giữa phần vỏ và thịt, xoay nhẹ thìa quanh vỏ ngoài.
3. Cắt đôi quả theo chiều dọc, dùng thìa múc trực tiếp từ quả, cho bé ăn.
Gợi ý cách chế biến kiwi cho bé:
- Ăn trực tiếp
- Hấp qua, trộn sữa chua/phô mai tươi
- Sinh tố kiwi
- Trộn kiwi với một số loại hoa quả khác, rưới chút mật ong hoặc si rô (cho bé trên 1 tuổi)
- Làm kem kiwi
Kiwi vàng ngon hơn nhưng giá cao gấp đôi kiwi xanh. Nếu như mẹ biết chọn thì vẫn có thể có kiwi xanh vị khá ngọt cho bé.
Mùa thu hoạch kiwi là các tháng cuối năm, vì thế mẹ nên chọn thời điểm nay mua kiwi xanh, tiết kiệm được kha khá mà con vẫn được nếm quả ngọt.
Mẹ bé Na
(theo afamily)