Dù ở thành phố hay nông thôn, dù nhà khá giả hay nghèo khó, trên bàn thờ ngày Tết cổ truyền của mọi gia đình nước ta đều có mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên.
Quan niệm về mâm ngũ quả ở mỗi vùng, mỗi địa phương và mỗi hoàn cảnh cũng khác nhau; có khi chỉ gồm hai, ba loại quả, nhưng cũng có khi tới hàng chục loại khác nhau.
Mối liên hệ giữa ngũ quả và ngũ hành
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 trạng thái vật chất cấu tạo nên vũ trụ.
Kim màu trắng, mộc màu xanh, thủy màu đen, hỏa màu đỏ, thổ màu vàng. Mâm ngũ quả cũng lung linh năm sắc màu đó.
Các quả thường được bày vào dịp Tết là: Bưởi, chuối, hồng, cam, quýt, quất, xoài, táo, đào, na (mãng cầu), đu đủ, dưa hấu... Tất cả đều là sản phẩm được tạo nên bởi sự giao hòa của trời đất (càn khôn), là kết quả lao động của con người.
Trong những ngày Tết, ai cũng muốn tỏ lòng biết ơn trời đất tổ tiên nên bày mâm ngũ quả thờ cúng để "báo" tổ tiên những thành quả của năm qua, mong muốn năm mới sẽ thành công hơn.
Khi chưng mâm ngũ quả, người cao niên thường chọn các quả có ý nghĩa như: Quả bưởi tròn ý nói sự đầy đủ, sung túc; Quả na nhiều hạt ngụ ý sự sum vầy đông con cháu; Quả quất tượng trưng cho người quân tử; Quả đu đủ là sự cầu mong của những gia đình nghèo được "đủ ăn".
Theo các nhà dược liệu và thầy thuốc Đông y thì mâm ngũ quả cũng là một tập hợp của nhiều vị thuốc.
Tác dụng chữa bệnh của một số loại quả trong mâm ngũ quả
+ Quả bưởi (quả bòng): người Thái gọi là cọ phúc, thuộc họ cam quýt - Rutaceae.
- Lá bưởi có tác dụng chữa cảm (dùng cùng một số lá khác để nấu nồi thuốc xông chữa cảm sốt).
- Vỏ bưởi dùng chữa đầy chướng bụng, bí tiểu.
- Vỏ hạt bưởi có chất pectin để cầm máu.
- Múi bưởi giúp giải khát, dùng tốt cho người tiểu đường.
- Hoa bưởi có hương thơm đặc biệt, dùng ướp trà và một số thực phẩm.
+ Đu đủ: còn có các tên là phiêu mộc, phan qua thụ, mắc hung.
Quả chín có tác dụng bổ dưỡng, rất tốt cho trẻ em và người cao tuổi, người mới khỏi bệnh.
Đu đủ xanh chứa chất papain có tác dụng phân giải tế bào, giúp nấu thịt chóng mềm. Rễ đu đủ dùng làm thuốc cầm máu.
Hoa đu đủ hấp đường phèn làm thuốc chữa ho cho trẻ em khàn tiếng.
Ở châu Phi, dân gian còn dùng lá đu đủ để chữa khối u.
+ Quả hồng: tên khác là thị đinh.
- Tai quả hồng còn có tên Thị đế dùng chữa khí nghịch - nấc.
- Thị sương là chất đường tiết ra từ quả hồng; dùng chữa đau rát họng, khô họng.
- Thị tất là nước ép từ quả hồng xanh, dân gian dùng chữa cao huyết áp.
+ Hồng xiêm: (hình như di thực từ Thái Lan nên có tên này). Tên khác: Tầm lửa, Sacoche, Saboche. Tên khoa học: Sapota achras.
- Nhựa hồng có tác dụng kích thích tiêu hóa.
- Vỏ quả chữa tiêu chảy
+ Chuối: là loại quả giàu dinh dưỡng, tốt cho người cao tuổi và trẻ em bị táo bón. Không dùng chuối cho người tiểu đường. Chuối hương phối hợp bột lòng đỏ trứng gà dùng chữa trẻ suy dinh dưỡng.
Như vậy, mâm ngũ quả là tâm sự gửi gắm của mỗi gia đình, nói lên lòng biết ơn trời đất, tổ tiên, ước muốn đầy đủ và sung túc, hòa hợp như năm sắc màu của thiên nhiên trong ngũ hành.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Cứ vào khoảng 28 tháng Chạp âm lịch thì nhà nhà đều cho bày biện một mâm ngũ quả cùng với những món ăn trên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Nếu không có mâm bồng, có thể bày trên một cái đĩa to.
Đã gọi là mâm ngũ quả thì phải có 5 loại quả được xếp thành hình tháp, được đặt ở một chỗ trang trọng nhất trong bàn thờ. Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng.
Theo các vị cao niên, am tường về Nho giáo thì xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến quan niệm triết lý Khổng giáo của phương Đông, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên - gọi là “ngũ hành”: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, nghĩa là 5 yếu tố cấu thành vũ trụ. Còn theo quan niệm của dân gian thì “quả“ (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này được kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng.
Một mâm ngũ quả được bày dưới cùng là một nải chuối to già còn xanh, nải chuối đều, hoặc 2 nải chuối nhỏ ghép bên nhau như một chiếc bệ cong gồm 2 tầng nâng đỡ hoàn toàn hoa trái khác. ở đây có sự phối hợp màu sắc, mâm ngũ quả đẹp là đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa bệ mâm xanh sẫm, trước đây bày quả phật thủ. Ngày nay ít trồng phật thủ nên thường thay bằng quả bưởi to, càng to càng đẹp. Bưởi chín vàng, tươi nổi bật trên bệ chuối màu xanh. Những quả chín đỏ đặt xung quanh, những chỗ khuyết dưới đặt xen kẽ quýt vàng và táo màu xanh ngọc.
Nhưng ở hai miền Nam Bắc phong tục tập quán khác nhau nên việc thờ cúng mâm ngũ quả cũng có nhiều điểm khác biệt.
Miền Nam
Thường thì mâm ngũ quả ở miền Nam to hơn ở miền Bắc. Ở miền Bắc có 3 loại quả: Chuối, bưởi, quýt là chính trong khi đó ở miền Nam thì: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, dưa hấu. Bởi theo quan niệm của người miền Nam là thờ: Dưa hấu, dừa, mãng cầu, đu đủ, xoài…
Mãng cầu là mình cầu mong cho đủ xài đó là mong ước phổ biến nhất trong năm mới. Một số nhà lại thêm trong mâm ngũ quả một số chùm sung ý nghĩa là cuộc sống sung túc, đầy đủ. Với triết lý ‘cầu vừa đủ xài sung túc’. Nếu muốn bày một mâm ngũ quả kiểu Nam bộ, người ta thường chọn ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp.
Miền Bắc
Cách trình bày truyền thống sẽ là nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt, đào bày đan xen vào nhau.
Nải chuối hay quả phật thủ như bàn tay che chở của ông bà đối với con cháu, để con cháu ăn nên làm ra, của cải sung túc, đề huề.
Quả bưởi và dưa hấu căng tròn mát lành hứa hẹn một năm mới đầy ngọt ngào, may mắn, quả hồng đỏ thắm quả quýt vàng rực, màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
Quả cam tròn da đỏ au, quả trứng gà có hình trái đào tiên, quả cà chua đỏ tươi, quả khế mọng nước còn vương những lá xanh. Có nơi còn thờ quả hồng xiêm, quả ớt đỏ.
Quả phật thủ thơm suốt mùa xuân, thơm trong nhà để làm ăn cho phúc lộc, thơm mãi hết mùa xuân này sang mùa xuân khác.
Những năm gần đây, mâm ngũ quả cúng Tết đã có nhiều thay đổi nó không còn ngũ quả nữa mà đã trở thành “lục, thất, bát... quả” vì bên cạnh có thêm những đặc sản cao cấp như: nho, lê, táo... tùy theo cách nghĩ và túi tiền của mỗi gia đình.
Sanbeo (Tổng hợp)